Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Hơn 21.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Covid-19 xuất hiện ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Italy và Tây Ban Nha là những nước có số ca tử vong trong một ngày cao nhất trong khi số người nhiễm ở Mỹ tăng mạnh.

Lính không quân Mỹ tại chiếc lều được sử dụng làm nhà xác tạm thời bên ngoài bệnh viện Bellevue ở New York ngày 25/3. Ảnh: AFP.

Lính không quân Mỹ tại chiếc lều được sử dụng làm nhà xác tạm thời bên ngoài bệnh viện Bellevue ở New York ngày 25/3. Ảnh: AFP .

Italy , vùng dịch lớn thứ hai thế giới và thứ nhất châu Âu, ghi nhận 683 ca tử vong mới, giảm so với mức tăng 743 ca một ngày trước đó. Tổng cộng Italy báo cáo 74.386 ca nhiễm và 7.503 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 10%, cao hơn gấp đôi trung bình toàn cầu 4,6%.

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 49.515 ca nhiễm và 3.647 ca tử vong, tăng lần lượt 7.457 và 656 ca so với một ngày trước đó. Số người chết vì nCoV ở Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc, nơi báo cáo 3.281 ca tử vong, khiến họ trở thành vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới sau Italy. Mặc dù Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3, tình hình dịch vẫn không giảm nhiệt. Các quan chức cảnh báo tình hình sẽ đặc biệt tồi tệ trong tuần này.

Đức ghi nhận thêm 4.332 ca nhiễm và 47 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 37.323 và 206. Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ khoảng 0,5%. Bộ Y tế Đức cho biết Đức đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại nước này khá trẻ, tuy nhiên họ cho rằng không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong thấp vì tình hình có thể thay đổi.

Tổng cộng châu Âu báo cáo hơn 14.000 người chết vì nCoV, chiếm khoảng 66% số ca tử vong toàn cầu.

Tại Mỹ , thêm 10.671 ca nhiễm mới được phát hiện, nâng số bệnh nhân toàn quốc lên 65.527, trong đó, 928 người chết, tăng 148 ca so với một ngày trước. Bang Colorado và Idaho đã yêu cầu người dân ở nhà để tránh virus lây lan. California, Illinois, New York, New Jersey, Connecticut đã ra động thái tương tự trước đó.

Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 27.017 người nhiễm và 2.077 ca tử vong. Nước này sắp ra lệnh cấm di chuyển giữa các thành phố sau khi hàng trăm nghìn người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo hạn chế đi lại của chính phủ.

Trung Quốc xác nhận thêm 67 ca nhiễm, toàn bộ là ca "ngoại nhập", tăng so với con số 47 hôm qua. Lo ngại về làn sóng lây lan mới, chính quyền đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc tại những thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, nơi tất cả người đến từ nước ngoài phải cách ly tập trung.

Hàn Quốc phát hiện thêm 104 bệnh nhân, chấm dứt chuỗi 14 ngày liên tiếp số ca mới hàng ngày không quá 100. Họ áp quy định cách ly với Mỹ có triệu chứng và tất cả người đi từ châu Âu, dù họ có triệu chứng hay không.

Tại Đông Nam Á , Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 1.796 ca nhiễm và 20 người tử vong. Trong khi đó, Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 58 người chết trong 790 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong là 7,3%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ số ca dương tính được phát hiện quá ít, tỷ lệ tử vong sẽ giảm dần khi càng có nhiều người được xét nghiệm và điều trị.

Tổng cộng, thế giới ghi nhận thêm 2.280 ca tử vong, đưa số người chết vì nCoV lên 21.174. Trong khi đó, 113.808 người, tức 24,3% số ca nhiễm, đã bình phục. Saint Kitts and Nevis, đất nước ở vùng Caribe, Mali cùng Guinea-Bissau tại Tây Phi và quần đảo Virgin thuộc Anh là những quốc gia, vùng lãnh thổ mới xuất hiện dịch.

Phương Vũ Công ty dịch thuật Sài Gòn Blog (Theo AFP, Worldometers )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét