Được bán ra với mức giá chỉ chưa đầy 3 triệu đồng, Realme C3 rõ ràng nhắm đến những người có thu nhập thấp hoặc đối tượng sinh viên. Nhưng dù ở mức giá nào, chiếc máy khi bán ra cũng phải có một số điểm riêng để thu hút người dùng. Vậy những điểm ấy là gì? Sau hai ngày trải nghiệm, tôi đã đúc kết một vài điểm dưới đây.
Những thứ ĐƯỢC
Ngoại hình tuy là nhựa nhưng có điểm nhận diện riêng
Những chiếc điện thoại ở tầm giá này đều có thiết kế bằng nhựa và cũng có lẽ vì thế mà các sản phẩm đều có nét "copy" lẫn nhau, nếu nhìn thoáng qua và không để ý logo thì chắc chắn sẽ không phân biệt được.
Tuy nhiên, Realme C3 lại không như thế. Hãng này vẫn dùng vỏ nhựa cho chiếc C3 nhưng điểm nhấn nằm ở những đường vân xéo, tỏa ra ngay từ tâm của camera chính, tạo cảm giác như ánh nắng Mặt Trời chéo góc mà ngày xưa tôi hay vẽ.
Nhìn vân họa tiết này...
... có giống bức ảnh vẽ tia Mặt Trời kia không chứ!
Chính điểm nhấn này vô tình tạo nên thứ khác lạ của sản phẩm, không bị "lẫn" vào rừng smartphone tầm trung hoặc giá rẻ khác. Bên cạnh đó, do sử dụng vật liệu nhám nên tôi cũng không lo vấn đề bám vân tay cũng như cầm trên tay để xem phim hay chơi game thời gian dài cũng không ngại chuyện trơn trượt.
Độ dày của máy không có gì đáng nói, nhưng nếu bạn biết được nó chứa viên pin 5.000 mAh bên trong thì Realme C3 quả là vẫn biết "giữ dáng" rất tốt. Các chi tiết trên thân máy cũng được gia công rất tốt, khu vực quanh phím bấm Volume hay nguồn đều được làm lún vô đôi chút, tạo điểm nhấn riêng.
Màn hình kích thước lớn, không gian hiển thị thoải mái
Với kích thước 6,5 inch, Realme C3 có thể mang đến không gian hiển thị thoải mái trong thời buổi hiện nay. Độ phân giải HD+ của màn hình này ban đầu cũng khiến tôi lo ngại về chi tiết, tuy nhiên sau 2 ngày sử dụng với các điều kiện từ lướt web cho đến chơi game thì nó hoàn toàn không phải là vấn đề lo ngại, độ chi tiết vẫn khá ổn.
Máy sử dụng thiết kế giọt nước để tạo cảm giác tràn viền hơn.
Độ sáng màn hình ở mức vừa đủ, nếu ngoài trời quá nắng thì việc xem nội dung trên chiếc C3 này có phần khó khăn hơn.
Tưởng chơi game không ổn, hóa ra lại quá ổn
Thay vì cài đặt một số game nhẹ nhàng, tôi đã tăng phần thử thách cho chiếc điện thoại này với các tựa game nặng như Asphalt 9 hay PUBG Mobile, kết quả phải nói là rất ấn tượng cho một chiếc máy có tầm giá dưới 3 triệu đồng, sử dụng Helio G70 và 3 GB RAM!
Ở tựa game PUBG Mobile, với cấu hình đồ họa HD (mức cao nhất có thể kích hoạt được ở chiếc máy này) kèm theo tốc độ khung hình ở mức Cao, tôi đã bỏ ra gần 30 phút ở chiến trường Vikendi mà không gặp bất kỳ tình trạng giật khung hình nào. Chắc có lẽ vì thế mà tôi cũng Winner Chicken Dinner ở ván đấu này...
Chơi thử màn Vikendi trong PUBG Mobile bằng Realme C3
Còn Asphalt 9, tôi cố tình chuyển mức đồ họa từ Default (mặc định) sang mức High Quality để xem máy có gánh nổi không. Khá bất ngờ là máy chẳng hề có hiện trạng sụt khung hình gì dù là đang có những pha va chạm tóe lửa, hiệu ứng cháy nổ diễn ra. Điểm buồn duy nhất có lẽ là do màn hình độ phân giải thấp nên độ chi tiết chưa được "đã" và hiện tượng răng cưa xuất hiện khi camera quay cận chi tiết "chiến mã". Tất nhiên đó chỉ là những thứ nhỏ nhặt và không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm chung của máy khi chơi game.
Ngoài ra, viên pin 5.000 mAh cũng là điểm cộng, với các bạn sinh viên thích cày game thì lựa chọn Realme C3 quá là hợp lý.
Và những thứ ta phải ĐÁNH ĐỔI
Ngoài những thứ vụn vặt được nhắc đến ở trên, chúng ta còn phải đánh đổi điều gì khác khi dùng chiếc điện thoại này?
Đầu tiên là máy sạc rất chậm. Cảm ơn nhà sản xuất đã đưa viên pin 5.000 mAh vào chiếc điện thoại này, nhưng việc rút đi khả năng sạc nhanh là thứ vô cùng đáng trách. Điều này dẫn đến thời gian sạc đầy của Realme C3 lên đến tận 3 giờ!
Bên cạnh đó, chúng ta đã bước sang năm 2020 rồi, nhưng hãy nhìn đi, Realme C3 vẫn còn sử dụng cổng giao tiếp Micro USB cũ kỹ. Nếu bạn quên sạc pin đêm qua mà đến công ty lại phát hiện trong túi xách không có cáp thì chắc chắn sẽ không vui đâu, bởi có khi đồng nghiệp hoặc bạn bè giờ đây đã sử dụng cáp Type-C hết rồi. Chưa kể với những ai muốn dùng chiếc Realme C3 này là máy phụ thì cũng phải lỉnh kỉnh thêm một dây cáp Micro USB bên cạnh dây Type-C cho máy chính, khá là bất cập.
Camera cũng không phải là điểm mạnh của chiếc điện thoại này, đây cũng là điều dễ hiểu vì nó không nằm ở phân khúc tầm trung hay cận cao cấp. Máy sở hữu cụm 3 camera sau bao gồm camera chính 12 MP f/1.8, camera chân dung xóa phông 2 MP và camera dịch vụ dịch thuật siêu cận 2 MP. Chất lượng camera chỉ nằm ở mức tạm được, có thể lưu giữ kỉ niệm hàng ngày hoặc sống ảo trên mạng xã hội nếu bạn chịu khó hậu kỳ thêm. Còn nếu bạn đòi hỏi nhiều hơn ở chiếc điện thoại này, tôi khuyên rằng nên lựa chọn dòng máy phân khúc cao hơn, hoặc đơn giản là chọn nó nhưng chỉ chơi game thôi chứ đừng chụp ảnh.
Realme C3 đánh dấu là chiếc smartphone đầu tiên của hãng này sử dụng giao diện Realme UI mới, thoát khỏi ColorOS trước đây vốn dùng chung với nhà OPPO. Mặc dù vậy, giao diện mới này vẫn thừa hưởng rất nhiều từ ColorOS, với những ai đã từng dùng qua rồi thì cũng không bỡ ngỡ.
Tuy nhiên trải nghiệm giao diện vẫn cần được cải tiến thêm, đặc biệt khi sử dụng chế độ vuốt điều hướng có độ phản hồi khá chậm khi đang trong game. Có thể Realme muốn tạo cơ chế tránh vuốt nhầm cho người dùng khi đang chơi game, nhưng có vẻ cơ chế này hoạt động hiệu quả hơi quá đà khiến tôi phải vuốt ít nhất 4-5 lần thì máy mới chịu thoát ra màn hình chính. Hy vọng bản cập nhật tiếp theo sẽ cải thiện được vấn đề này.
Nhìn chung trong tầm giá này, Realme C3 là một trong những sản phẩm đáng để cân nhắc sử dụng, nếu bỏ qua những điểm vụn vặt từ cổng MicroUSB cho đến sạc chậm. Realme C1 và C2 từng được bán rất chạy tại thị trường Việt Nam và lần này C3 liệu có lập thêm kì tích trong năm 2020? Hãy cùng đón chờ tín hiệu từ người dùng trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét