Đã hơn ba năm nay, ông Thái (64 tuổi) ở phường 5, quận 11 làm nghề bán vé số dạo khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Hàng ngày, cứ khoảng 6h30 người ta thấy ông trong bộ đồ bạc màu, sơ vin chỉnh tề, mang đôi giày trắng và xấp vé số, xuất hiện trên đường.
Vào những ngày mùng 10 âm lịch - ngày Thần tài theo quan niệm của người Hoa, ông mặc thêm bộ quần áo thần tài màu đỏ đến các chợ hoặc khu đông người Hoa ở quận 11 để bán. Ông giải thích, bán vé số nhưng cũng phải sạch sẽ, gọn gàng người ta mới mua, vào ngày Thần tài, những người buôn bán thường thích mua vé số để cầu may mắn.
"Tui bán lấy tiền lời giúp người khó khăn, chứ chờ có nhiều mới giúp thì biết đến bao giờ?", người đàn ông 64 tuổi nói rồi lấy tay vuốt lại mái tóc muối tiêu dài quá nửa lưng.
Ông Thái nói, vào ngày 10 âm lịch hàng tháng, những người buôn bán thường mua vài chục tờ vé số thay vì chỉ một hai tờ như những ngày khác. Ảnh: Diệp Phan. |
Tám năm trước, người con gái duy nhất của vợ chồng ông đột ngột qua đời ở tuổi 21 vì bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau này "hạ gục" ông Thái. Ông bỏ nghề thợ điện, tự nhốt mình trong nhà gần 5 năm để viết nhật ký về con. Một ngày khi đang lục lại những kỷ vật của con, ông Thái chống cằm rồi chợt nhận ra râu mình đã dài gần gang tay. Ông nói với vợ: "Hay là tôi đi bán vé số kiếm tiền, nhỡ ba cái phòng trọ không có ai thuê nữa thì cũng có tiền Công ty dịch thuật Sài Gòn 247 Blog xài". Vợ ông, bà Võ Thị Hoa Cúc (62 tuổi) đồng ý ngay vì nghĩ việc ra ngoài sẽ giúp ông khuây khỏa hơn.
Vậy là từ tháng 11/2017, ông Thái bắt đầu một công việc mới khi vừa bước sang tuổi 60. Ban đầu, mỗi ngày ông lấy khoảng 100 tờ vé số, đi bán quanh khu vực quận 11.
Tiếng là đi bán vé số kiếm tiền nhưng ông bà chẳng bao giờ phải dùng đến số tiền đó bởi nguồn thu từ việc cho thuê nhà đủ cho mọi sinh hoạt. Ông quyết định lấy số tiền lời từ vé số để mua sữa, mua bánh tặng những người già khó khăn trong xóm. Lâu dần, khi đi bán, thấy hoàn cảnh nào khó khăn là ông Thái lại xuất tiền ra giúp đỡ. "Những người mới biết thì tôi phải hỏi thăm nhiều lắm, hoàn cảnh nào thật sự cần tôi mới giúp, không giúp bậy bạ", ông chia sẻ.
Sáng 3/3 cũng là ngày Thần tài, ông Thái dừng xe ở một khu chợ nhỏ đường Thái Phiên, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống. "Lại đây mua tờ vé số cái coi ông thần tài ơi!", tiếng nhiều vị khách quen của ông vọng lại. Ông Thái cười khà khà, đưa xấp vé số để mọi người chia nhau chọn. Nhiều người nói vui: "Nhìn ông giống ông thần tài thiệt heng". "Thần tài thiệt chứ, râu nè, tóc nè, đều thiệt chứ không có giả", vuốt chòm râu bạc, ông Thái cười sảng khoái đáp lại.
Ông Thái mời khách mua vé số trưa 2/3 tại chợ Phú Thọ, quận 11. Ảnh: Diệp Phan. |
Lúc mới bán, ông Thái đi bộ, mỗi ngày chỉ bán được nhiều lắm là 150 vé. Trừ chi phí, ông còn dư được 100.000 đồng. Cực như vậy, nhưng cũng nhiều lần ông bị kẻ xấu lừa. "Một đứa vờ nói chuyện, mấy đứa còn lại cầm xấp vé, họ lựa rồi lén giấu vào tay áo. Có ngày tôi mất đến 20 tờ", ông nhớ lại.
Bốn tháng trước, ông Thái thấy mình không còn đủ sức khỏe để đi bộ mỗi ngày hơn chục km. Ông sửa lại chiếc xe máy cũ rồi gắn tấm bảng "Bán vé số để giúp đỡ người nghèo". Kể từ đó, ông bán được 300, rồi 400 tờ vé số mỗi ngày. Tiền lời nhiều hơn, những món quà của ông Thái không dừng lại ở lon sữa mà có thể là vài triệu đồng cho mỗi trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Luông, 74 tuổi, sống cách nhà ông Thái chừng 500 m kể: "Cứ đến Giáng sinh, ông Thái mặc đồ ông già Noel, cầm chuông leng keng đi phát quà bánh cho mấy đứa nhỏ, tôi tưởng tượng giống như trong phim vậy". Ông Luông bị mù hơn 20 năm và mắc bệnh khớp, cứ vài tháng lại được ông Thái cho sữa. Hai tháng trước vợ ông qua đời, ông Thái gửi ông Luông 1 triệu đồng để phụ lo ma chay.
Trước Tết, ông Thái hứa tặng 2 triệu đồng cho ông Hùng ở quận 11 bị tai biến, không có vợ con và đang ở nhờ nhà người em để mua thuốc và sắm Tết. Nhưng số tiền chưa kịp trao thì ông Hùng đã qua đời. Bà Cừ, em gái ông Hùng nhớ lại: "Anh tôi mất nhưng ông Thái vẫn giữ lời hứa, sang đưa tôi 2 triệu để phụ tiền ma chay".
Vào ngày vía thần tài, người nào mua hết số vé còn lại để ông được về nhà sớm sẽ được bắn pháo giấy tặng. Ảnh: Diệp Phan. |
Giữa trưa, ông Thái dừng xe nghỉ dưới tán cây, uống ngụm nước chè mang theo rồi nhẩm đếm số vé còn lại. "Hơn 40 vé nữa, tui chạy vài vòng là hết thôi", ông nói giọng hy vọng rồi cho xe nổ máy, đi sâu vào những con hẻm nhỏ.
Thấy bóng ông, một người phụ nữ gọi: "Ông Thái còn nhiêu vé, tôi mua hết lấy hên ngày vía thần tài". "Còn 48 vé, lấy hết tôi bắn cây pháo giấy kim tuyến chúc cô may mắn", ông nói rồi quay qua giải thích thêm, "Tôi bán vé số để làm từ thiện chứ không phải để mưu sinh nên thoải mái, cây pháo chẳng đáng bao tiền mà mọi người ai cũng vui vẻ".
Nhận tiền xong, ông Thái lấy cây pháo giấy treo trên xe ra ấn nút mở. Những mẩu giấy kim tuyến nhỏ bay lấp lánh khắp con hẻm.
Diệp Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét