Những ngày cuối tháng 4/2020, khoa Nhiễm D - BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tất bật hơn thường ngày khi những cuộc hội chẩn liên tục diễn ra. Tất cả đều hướng đến mục tiêu duy nhất là cứu sống được nam phi công người Anh (BN91), ca nhiễm Covid-19 cuối cùng cho tới thời điểm hiện tại đang được điều trị tại TP.HCM.
Món quà ý nghĩa các bệnh nhân gửi lại tặng y bác sĩ, nhân viên tại BV Dã chiến Củ Chi thay lời cảm ơn chân thành nhất.
Cầm trên tay kết quả xét nghiệm mới nhất của nam phi công người Anh, BSCKII Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D tạm nở một nụ cười khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm, phổi bệnh nhân cũng bắt đầu tái sinh sau một thời gian dài tổn thương nặng nề.
“Đó là kết quả của một tập thể dù chưa thể nói trước được điều gì, chúng tôi chỉ dám hi vọng trên 50% có thể cứu sống được bệnh nhân” - BS Nguyễn Thanh Phong nói.
Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc – Trung Quốc), qua nhiều thông tin cập nhật, đánh giá được mức độ phức tạp, lây lan của dịch bệnh, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có những bước chuẩn bị từ rất sớm.
Khoa Nhiễm D được giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm SARS-COV-2 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Dù chưa “biết mặt kẻ thù” nhưng toàn bộ y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện luôn trong tâm thế sẵn sàng, trang bị đầy đủ kiến thức lẫn tinh thần phòng chống dịch.
Ca bệnh đầu tiên được BV Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận vào hôm mùng 7 Tết Canh Tý, nam Việt kiều Mỹ (73 tuổi, BN07), bác Tạ Hoa Kiên bay từ Mỹ về Việt Nam (quá cảnh Vũ Hán) xác định nhiễm Covid-19. Đó là ca bệnh đầu tiên được điều trị tại khoa Nhiễm D, mở ra một cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài cho toàn thể nhân viên tại đây.
Dù từng trải qua nhiều trận dịch nguy hiểm, nhưng lần này, bác sĩ Phong cùng các nhân viên y tế không khỏi lo lắng. Bởi kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt quá mới, quá nguy hiểm, bản thân mọi người lại chưa có hiểu biết về nó.
“Việc phải làm đầu tiên mà chúng tôi đặt ra là khi tiếp nhận bệnh nhân, làm sao đừng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Tôi luôn suy nghĩ, sáng nào giao ban cũng nhắc nhở nhân viên làm sao phải thực hiện nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn…, tránh tối đa việc lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Khoa Nhiễm D cũng được bố trí khu cách ly rất riêng biệt theo hướng 1 chiều. Tất cả bệnh nhân tại khoa đang điều trị được chuyển sang các khoa khác.
Phòng cách ly áp lực âm được vận hành để trên tinh thần luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, chúng tôi vừa đọc báo chí nước ngoài, vừa học hỏi kinh nghiệm của nhiều nơi, theo phác đồ của Bộ Y tế để làm sao áp dụng một cách hiệu quả nhất vào ca bệnh”.
“Một may mắn là chúng tôi có một group chat gồm tất cả chuyên gia hàng đầu về hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, hô hấp, huyết học…, cập nhật liên tục tình hình bệnh nhân 24/24. Bất cứ diễn tiến nào của bệnh nhân cũng được cập nhật lên và được chúng tôi xử lý kịp thời. Bệnh viện luôn bố trí đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hồi sức gồm 6 người, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng điều động 2 bác sĩ, thay phiên nhau trực 24/24 tại khoa để theo dõi sát từng diễn tiến của bệnh nhân" – BS Nguyễn Thanh Phong nói.
Dù cho BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là nơi tiếp nhận và điều trị cho các ca bệnh nặng, đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, áp lực từ nhiều phía nhưng toàn thể nhân viên trong khoa không một ai tỏ ra sợ sệt. Mọi người luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc là cứu sống được bệnh nhân.
Là người trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, bác sĩ Phong và các đồng nghiệp tại bệnh viện đã tự giác cách ly mình, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, ngay cả những người thân trong gia đình.
“Tôi quên luôn thứ 7, chủ nhật, dù hôm đó có trực hay không, bất giác tôi vẫn chạy vô bệnh viện. Đặc biệt từ lúc tiếp nhận điều trị cho nam phi công người Anh, mọi người không còn định nghĩa về mặt thời gian bởi công việc cứ liên tục. Hơn 3 tuần qua, khoảng 80 người chúng tôi không ai về nhà. Nam thì đỡ hơn, chứ các nữ nhân viên thì còn con cái, gia đình. Nhưng tất cả đều vì trách nhiệm, tuân thủ theo quy định của ngành”, bác sĩ Phong tâm sự.
Chị Hà Mai Thanh Hiền (34 tuổi), một trong những nữ điều dưỡng chăm sóc chính cho BN91 cho biết mỗi ngày trôi qua, tất cả nhân viên y tế ở đây ai cũng mong nam phi công sớm hồi phục, dịch bệnh kết thúc để nhịp sống quay trở lại bình thường.
“Lúc mặc đồ bảo hộ tận 2-3 tiếng rất nóng, nhưng vì để đảm bảo an toàn nên mình phải tuân thủ. Mỗi tháng mình Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog phải trực 8 đêm, mọi người chia nhau xoay vòng để theo dõi sức khỏe bệnh nhân 24/24. Dù vào nghề cũng được 12 năm rồi nhưng chưa bao giờ dịch bệnh lại khó khăn đến thế này. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy những bệnh nhân mình chăm sóc hồi phục sức khỏe, họ cảm ơn, nhớ đến mình, đó là nguồn động lực to lớn để mình cố gắng”, điều dưỡng Hiền nói.
Ngoài việc điều trị về chuyên môn, việc động viên tinh thần cho người bệnh cũng được đội ngũ nhân viên bệnh viện đặc biệt quan tâm. Có nhiều trường hợp vì bệnh nhân lo lắng quá nên đôi lúc có những phản ứng “không an tâm”, các y bác sĩ luôn lắng nghe, chia sẻ, giải thích rõ ràng, chu đáo giúp bệnh nhân thoải mái về mặt tâm lý để điều trị.
“Tôi nhớ nhất có lẽ là bác Việt kiều, bác về nước để ăn Tết cùng người chị gái lớn tuổi, có ngờ đâu chỉ 2 tiếng quá cảnh ở Vũ Hán, bác nhiễm Covid-19. Lúc điều trị ở khoa, mọi người đều xem bác ấy như một người thân trong gia đình. Nhờ tâm lý tốt, bệnh tình của bác Kiên tiến triển khả quan và nhanh chóng khỏi bệnh. Lúc bác xuất viện, bác mừng lắm, bác tâm sự bệnh viện này là nhà của bác, mọi người trong khoa Nhiễm D giống như người thân vậy. Bác nói: “Tui không dùng từ cám ơn đâu mà tui dùng từ tri ân rất lớn. Nơi đây đã đem lại tui từ cõi chết trở về”, bác sĩ Phong nhớ lại.
Có lẽ những kỷ niệm với ca bệnh đầu tiên không chỉ đối với bác sĩ Phong mà tất cả nhân viên tại khoa Nhiễm D luôn là điều tuyệt vời nhất. “Chỉ cần bệnh nhân khỏi bệnh, vui mừng trở về nhà, một cái nắm tay cảm ơn thôi là đủ khiến tôi hạnh phúc”, BSCKII Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
33/33 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được điều trị thành công tại BV Dã chiến Củ Chi. Đó là một thành công vượt sức tưởng tượng, nơi mà hơn 2 tháng trước đó, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0.
Được điều động từ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lên làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Dã chiến Củ Chi, BS Trần Nguyễn Hoàng Tú vẫn nhớ như in ngày 18/2, ngày đầu tiên bác sĩ Tú nhận nhiệm vụ chỉ sau một tuần BV Dã chiến Củ Chi được thành lập (ngày 10/2).
“Áp lực xen lẫn một chút hoang mang. Ban đầu ở bệnh viện này thứ gì cũng thiếu, chỉ có khoảng 2-3 chục người thôi. Mình lại bắt đầu từ con số 0 (không giường, phòng ốc, trang thiết bị đều không có, áp lực nhiều lắm. Dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn từ trước nhưng vẫn không quen, bởi lên đây mọi thứ đều quá mới mẻ.
Khoảng hơn một tháng đầu tiên nhận các ca nhiễm bệnh và người nghi nhiễm cao, có khi một ngày tiếp nhận hơn 100 ca là chuyện bình thường, mọi người ai cũng hoạt động hết công suất. Đó là giai đoạn chắp vá mà tất cả mọi người đều gồng mình lên cố gắng, thiếu đến đâu đắp đến đó để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc chữa trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Tú tâm sự.
Một vấn đề xảy ra là bệnh viện có cả những người cách ly lẫn người bệnh nên việc sắp xếp phòng ốc gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trong số những người cách ly lại phát hiện nhiễm Covid-19, buộc những người ở chung phòng phải chuyển sang nhóm có nguy cơ cao. Vì vậy, làm sao để tránh lây nhiễm chéo là một bài toán hóc búa được ban lãnh đạo bệnh viện, toàn thể nhân viên giải quyết.
Một điều đáng tự hào là chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả 33/33 ca nhiễm Covid-19 được điều trị tại bệnh viện đã khỏi bệnh, điều mà tất cả các nhân viên tại bệnh viện đều mong chờ. “Có nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh quay lại đây tặng quà cho mọi người, có bạn còn xin ở lại để làm công tác hỗ trợ nữa nhưng vì yêu cầu nghiêm ngặt của công việc, mọi người chỉ có thể nhận tấm chân tình của các bạn ấy. Giờ đồ ăn thức uống ở đây đều được hỗ trợ, người dân xung quanh lâu lâu còn luộc bắp, khoai mì đem đến tặng, dễ thương lắm!”, bác sĩ Tú vui vẻ nói.
Để mang lại hiệu quả công việc tốt nhất, ngoài vấn đề chuyên môn, sự nhiệt huyết, tận tâm của các y bác sĩ, nhân viên y tế tại BV Dã chiến Củ Chi cũng được thể hiện rất rõ. Đa phần mọi người ở đây đều trẻ tuổi, chẳng ngại khó, ngại khổ, đặc biệt luôn có sự cầu tiến, học hỏi trong công việc.
Âm thầm, lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân, quần quật cả ngày với vô số việc không tên nhưng Lê Giang Hùng Sơn (26 tuổi, y công) cũng như nhiều bạn khác chẳng bao giờ tị nạnh hay than trách bất cứ điều gì.
Được điều động lên bệnh viện làm nhiệm vụ trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, Sơn vẫn nhớ như in cái cảm giác lúc nhận được thông báo. Một chút lạ lẫm, hồi hộp, kể cả sự háo hức của tuổi trẻ ở một vị trí công việc hoàn toàn mới lạ.
“Lúc đầu em cứ nghĩ lên sẽ ở lại một đêm rồi sẽ được về, ai ngờ ở luôn tới giờ”, Sơn cười vội rồi hì hục gom những bịch rác trong bệnh viện.
Cũng giống như Sơn, Nguyễn Kiều Trọng Nghĩa (23 tuổi) là một trong những nữ điều dưỡng trẻ tuổi nhất tại bệnh viện. Công tác tại BV Đa khoa quận Bình Tân, Nghĩa tình nguyện xung phong lên Củ Chi để hỗ trợ. Dù ban đầu, việc đối mặt với thời tiết gay gắt, môi trường làm việc khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy hiểm không phải là điều dễ dàng với cô gái trẻ.
“Lúc đầu chưa xuất quân khỏi bệnh viện thì tâm lý em rất sợ, nhưng khi lên này rồi thì không còn sợ nữa, mỗi ngày em phải đi đo sinh hiệu, đưa thức ăn, chăm sóc cho bệnh nhân. Trong đầu tụi em luôn suy nghĩ, mong sao bệnh nhân hết bệnh, Việt Nam mình hết dịch để quay lại cuộc sống thường ngày.
Nhiều khi cũng nhớ nhà, em có khóc nhưng cố gắng kiềm lòng lại. Các anh chị, bạn bè ở đây rất nhiệt tình, ai cũng xem nhau như người thân trong gia đình”, Nghĩa tâm sự.
Là một trong 2 bác sĩ tình nguyện ở lại bệnh viện, anh Huỳnh Hồng Phát (28 tuổi) cho biết đến thời điểm hiện tại, anh và mọi người đã xem nhau như một gia đình nhỏ. Bởi cái không khí thoải mái, không ai tị nạnh hay so bì với nhau điều gì đã khiến mọi người gắn bó, hòa hợp với nhau.
“Có người hay đùa với anh là chỉ mới cưới vợ được vài tháng lại phải đi công tác xa nhà, nhưng vì công việc, nhiệm vụ mình phải chấp nhận. Hơn nữa khi lên đây rồi mới thấy cuộc sống ở đây rất thoải mái, nó dường như tách biệt với mọi thứ, ai cũng quý mến, giúp đỡ lẫn nhau. Những lúc nhớ nhà, anh gọi điện về cho vợ qua video call, vì vợ cũng chung ngành nên hiểu được”, bác sĩ Phát nói.
Có lẽ không chỉ riêng bác sĩ Phát mà tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu đang ngày đêm gồng mình để chống dịch Covid-19 đều hi vọng vào một ngày không xa, dịch bệnh Covid-19 sẽ kết thúc.
Tính đến 18h ngày 25/4, đã có 230/270 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam được điều trị thành công, tại TP.HCM, đã 19 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới. Dù vậy, cuộc chiến chống dịch vẫn còn rất dài ở phía trước, hi vọng rằng tất cả mọi người sẽ cùng nhau chung tay để Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, hồi phục phát triển kinh tế đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét